Phát huy giá trị nhà ga cổ nhất Việt Nam
04/06/2020 9:09:47 SA
Tòa nhà chính của Ga Huế - một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, “điểm nhấn” giữa lòng đô thị Huế sau một thời gian được cải tạo, đã đưa vào phục vụ hành khách thay vì chỉ là nơi làm việc hành chính từ nhiều năm qua.

Việc cải tạo không chỉ tôn trọng giá trị kiến trúc xưa mà còn để phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện đại, cũng như phục vụ việc tham quan của du khách khi có dịp trải nghiệm Huế bằng đường sắt. Sau nhiều tháng cải tạo, tầng 1 khu nhà chính của Ga Huế đã chính thức hoạt động, thành nơi đón khách, bán vé, chờ tàu… với không gian vừa mới lạ, vừa cổ kính khiến hành khách bất ngờ, hài lòng.

Tòa nhà Ga Huế còn lại cho đến ngày nay được xây dựng vào khoảng năm 1902 và hoàn thành cuối năm 1906, cùng với thời gian hoàn thành 103km đường sắt tuyến Huế - Đà Nẵng. Tuyến đường sắt cũng như nhà ga này cho đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong giao thương, đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước.

Đại diện Chi nhánh khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế - đơn vị quản lý Ga Huế cho biết, việc cải tạo này dựa trên nguyên bản kiến trúc cũ. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các hạng mục sơn, thay lại mái, đổ lại sàn bê tông, đóng trần thạch cao trang trí, ngoài ra làm thêm lối đi cho người khuyết tật, khu nhà vệ sinh… Tổng diện tích cải tạo khoảng 300m2.


Một góc phòng chờ ở tòa nhà Pháp của Ga Huế

 

Ngay sau khi cải tạo, khu vực bán vé, chờ tàu từ tòa nhà cách đó chừng 50m được chuyển đến tầng 1 khu nhà chính Ga Huế. Cán bộ làm việc ở khu nhà chính sẽ được chuyển dồn lên tầng 2.

“Bên cạnh khai thác phục vụ du khách, chúng tôi luôn ý thức đến việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc độc đáo này. Không chỉ là điểm đi, đến, hay trung chuyển hành khách, Ga Huế còn được nhiều vị khách ấn tượng bởi lối kiến trúc cổ được thiết kế theo lối kiến trúc thuộc địa Pháp giai đoạn đầu”, ông Lê Quang Châu – Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Theo kỹ sư Châu, đồng nghĩa với di dời về khu chính, tòa nhà nơi bán vé, phòng chờ trước kia cũng sẽ được cải tạo lại, với mục đích là nhà chờ, dự tính trong trường hợp lượng khách tăng trong tương lai.

Việc di dời điểm bán vé, chờ tàu về khu tầng 1 tòa nhà chính Ga Huế còn giúp hành khách có thể thuận tiện hơn. Thay vì trước kia phải mất rất nhiều thời gian di chuyển từ điểm chờ đến nơi tàu dừng thì nay, khu nhà chờ nằm ngay nhà chính Ga Huế - cạnh điểm tàu dừng sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển, vận chuyển hành lý.

Anh Nguyễn Châu Nhân (TP. Huế) vì lý do công việc nên thường xuyên di chuyển bằng tàu hỏa từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại nói rằng, việc đưa phòng bán vé, nhà chờ về tòa nhà chính Ga Huế là vô cùng hợp lý. Lâu nay, không riêng gì anh Nhân, mà nhiều du khách quốc tế thường nhầm lẫn khi đến mua vé chờ tàu.

“Tòa nhà chính ghi bảng to Ga Huế, nhưng khi kéo vali tới thì thấy đó chỉ là nơi làm việc. Giờ đây, nó đã trở về đúng chức năng vốn có ban đầu. Không chỉ vậy, giúp hành khách hiểu hơn giá trị kiến trúc cổ kính, sang trọng mà còn truyền đi thông điệp bảo vệ kiến trúc, di sản xưa cổ đang còn rất ít giữa lòng phố thị hiện nay”, anh Nhân nhìn nhận.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, ngày nay, phương tiện hàng không đang được hành khách ưa chuộng, nhưng hàng không không thể thay thế đường sắt được và các phương tiện đi lại bằng đường bộ của khách du lịch. Không những vì hàng không giá vé cao mà còn vì hàng không không thể thỏa mãn được yêu cầu thưởng ngoạn cảnh quan dọc hai bên con đường đưa đến những địa điểm du lịch, ví dụ như cảnh quan tàu hỏa đi qua vùng đèo Hải Vân. Do đó Ga Huế vào thế kỷ XXI vẫn là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ tham quan di sản thế giới của du khách quốc nội và quốc ngoại.

“Ga Huế gắn bó với lịch sử văn hóa Kinh đô rồi Cố đô Huế. Cố đô Huế là di sản thế giới, ga Huế là một phần hồn và xác của di sản thế giới ấy”, ông Xuân nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An: Một trong những nhà ga cổ  nhất Việt Nam

 

“Chính vua Khải Ðịnh và đoàn tuỳ tùng đã dùng tàu hỏa từ Ga Huế vào Ðà Nẵng để đáp tàu thủy đi Pháp năm 1922. Mười năm sau (1932), vua Bảo Ðại trên đường “hồi loan” từ Pháp về cũng đã đáp một chuyến tàu hỏa từ Ga Ðà Nẵng ra đến Ga Huế.

Trải qua thời gian, các chuyến tàu hỏa đi qua Ga Huế đã chuyên chở biết bao hàng hóa, hành khách xuôi ngược Bắc Nam. Ga Huế đã đón đưa nhiều thế hệ con người địa phương, trong nước và ngoại quốc. Ga Huế là một trong những nhà ga tàu hỏa cổ nhất tại Việt Nam. Nếu bảo tồn được dáng vẻ vốn có của nó thì cũng là điều tốt và quý vì nó còn mang những giá trị kiến trúc và lịch sử”.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 Bản in]
Các bài khác

Banner Quảng Cáo