Ra đời muộn 4 năm sau ga Hàng cỏ - nhà ga Hà Nội hiện nay (1902). Nhưng nhà ga Huế (1906) vẫn còn giữ được vẻ đẹp cổ điển hơn.
Trong 3 nhà ga lớn nhất nước, ga Sài Gòn (TPHCM) khởi công xây dựng sớm nhất (1881-1885) nhưng đến năm 1906 mới thật sự hoạt động, cùng lúc ra đời nhà ga Huế. Riêng đường sắt Sài Gòn - Hà Nội đến năm 1936 mới được thông tuyến.
Hòa bình trở lại, ngày 14/11/1975 Chính phủ cho khôi phục tuyến đường sắt thống nhất Hà Nội - Sài Gòn. Đúng ngày 31/12/1976, hai đoàn tàu thống nhất xuất phát từ ga Hà Nội và Ga Sài Gòn, đã thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam. Ga Huế là nơi “bắt tay nhau” giữa hai đoàn tàu mang ý nghĩa lịch sử “non sông liền một dải”.
Nhà ga Huế còn lưu giữ một mốc son chói lọi của ngành đường sắt Việt Nam. Tại đây, ngày 25/2/1946, 20 đại biểu của tổ chức công nhân “Hỏa xa cứu quốc” ở ba miền Bắc - Trung - Nam đã họp và thống nhất bầu Ban Chấp hành lâm thời của tổ chức “Việt Nam Công nhân Hỏa xa cứu quốc”. Đây là hội nghị đại biểu công nhân đường sắt toàn quốc lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Duy Trinh - Ủy viên thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng này, Tổng LĐLĐVN đã chọn ngày 25/2/1946 làm ngày thành lập Công đoàn ngành Đường sắt Việt Nam.
Sân ga. (Ảnh: Thể thao Tp HCM)
Ngày nay, được sửa sang nhiều lần, hiện đại hơn, nhưng nét cổ kính của ga Huế vẫn được trân trọng. Nhiều người thích đến đây chơi, quang cảnh thoáng đãng, thức ăn uống giá bình dân, sân ga là một xã hội thu nhỏ, đa dạng nhưng có nề nếp trật tự. Những năm 70, sân ga là nơi mưu sinh của hàng trăm người buôn bán nhỏ. Quán sá lẻ tẻ, cốt phục vụ cho người đi và đón tàu. Ánh đèn dầu le lói gợi lên một không gian lam lũ của người dân lao động, mưu sinh về đêm, khiến ta liên tưởng đến truyện “Hai chị em” của nhà văn Thạch Lam. Còn bây giờ nhà ga khang trang hơn xưa nhiều, đêm xuống, sinh hoạt hết sức náo nhiệt nhưng trật tự trị an khá tốt.
Nhà ga Huế được kiến trúc kiểu Pháp cổ. Cái tên cũ của nó có lẽ ít người biết “Ga Trường Súng”. Tuổi của nó bằng với cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, trường Quốc Học, Bệnh viện Trung ương Huế. Sân ga này từng lưu dấu giày của ba vị khách đặc biệt (vua Khải Định, Bảo Đại, Thành Thái) trong ba hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Từ đó cho ra đời 2 cuốn hồi ký thú vị “Ngự Giá Như Tân Ký” và “Con Rồng An Nam” của hai ông vua Khải Định và Bảo Đại. Lịch sử trớ trêu đã khiến ga Huế trở thành chứng nhân, chứng kiến người vừa năm trước cắt băng khánh thành nó - vua Thành Thái, năm sau phải lên nhà ga đi vào Vũng Tàu, để sau đó bị đi lưu đày ở Reunion!
Cầu Ga ngày xưa, bên kia là Ga Huế. (Ảnh TL - Nguồn: Internet)
Nhà ga ban đầu chỉ quản lý tuyến đường sắt 68 km, nối Huế với Đông Hà (Quảng Trị). Cái tên nhà ga “Trường Súng” cũ xuất xứ từ khu đất xây nhà ga, trước làm nơi các binh lính tập bắn súng. Trước ngõ vào sân ga, có một bến đò ngang nối liền đôi bờ sông Hương, cũng gọi là bến Trường Súng. Nhà ga Huế ra đời trong bối cảnh rất đặc biệt, không ai nghĩ các vua Nguyễn bằng lòng cho triệt hạ ngôi miếu Lịch Đại Đế Vương để làm nhà ga. Tên ngôi miếu ấy giờ được đặt cho khu dân cư bên kia đường ray (phố Lịch Đợi và đường Lịch Đợi), nơi nhiều người sinh sống dựa vào các dịch vụ của ngành đường sắt.